Lá cách |
Đặc điểm:
- Thuộc họ thân gỗ lùn, tuổi thọ bền. Giống này hầu như không kén đất trồng, chịu được các điều kiện khắc nghiệt. Cây trưởng thành cao tối đa 3m, tàn tối đa 2,5m. Phát triển bình thường kể cả những nơi râm mát.
- Trái chín màu đen sậm mọc theo từng chùm.
- Giống này chủ yếu dùng lá để làm các món ăn dân giang.
- Cây lá cách trồng chậu được. Vì là giống trồng ăn lá nên cách trồng rất đơn giản, không cần chậu lớn.
Giới thiệu:
Trong các thứ rau dân dã, lá cách là loại rau được người dân miệt vườn ưa thích nhất, là món ăn khoái khẩu không thể thiếu trong bữa tiệc bánh xèo, cá lia thia kho lạt cuốn bánh tráng hay cuốn mắm sống ăn với khoai lang,...
Lá cách mọc nhiều ở ven sông, kênh rạch, nơi bãi bồi hoặc xen lẫn trong vườn cây, là loại thân mộc, có thể gieo trồng bằng hạt hoặc giâm bằng hom. Chúng phát triển rất nhanh, cây càng to, càng nhiều cành thì mới cho nhiều lá non, đó chính là những lá người ta dùng để ăn sống.
Cây cách gắn liền với cuộc sống của người dân Nam bộ với các món ăn được sáng tạo từ thời khai hoang, mở đất. Người ta thường dùng lá cách non xào với xác đậu nành, món ăn mộc mạc của những người nghèo thế mà ngon không chỗ nào chê, nó vừa no bụng vừa là món ăn bổ dưỡng. Để chế biến món ăn này, chúng ta nạo một trái dừa khô, vắt lấy nước cốt cho vào chảo đun sôi, sau đó tùy theo khẩu phần mà cho xác đậu nành và giá đậu vào, nêm nếm muối, bột ngọt cho vừa ăn, tiếp tục xào cho ráo nước, cuối cùng mới cho lá cách xắt nhuyễn vào xào sơ vài bận thì nhắc xuống dùng nóng với nước tương hoặc nước mắm ớt đều được. Xác đậu nành là thứ người ta bỏ đi sau khi xay lấy hết nước cốt, thường người ta đem cho heo ăn, nhưng đối với những người dân nghèo quê lại là món ăn ngon vào những lúc sum họp gia đình khi biết khéo léo kết hợp nó với loại lá cách đặc trưng. Mùi thơm của lá cách, vị béo của xác đậu và nước cốt dừa cộng với chút nước tương cay cay tan trên lưỡi, ta ăn mà nghe ngây ngất hương quê.
Vào ngày Tết Đoan Ngọ, người dân quê thường hay đổ bánh xèo để cúng gia tiên và thết đãi con cháu. Chộn rộn nhất vẫn là tìm sao cho được rổ rau vườn với đủ thứ cải trời, cơm nguội, lá lụa, rau má, đọt sộp,... gì thì gì nhưng nếu thiếu lá cách coi như món bánh xèo giảm đi một phần ba sự hấp dẫn. Cao cấp hơn có món cá lia thia kho lạt, nếu cuốn bánh tráng mà rau sống đi kèm không có lá cách thì phần thi vị giảm đi mấy lần. Khoai lang mắm sống cuốn lá cách là món ăn đặc sản nổi tiếng của vùng sông nước Cửu Long.
Khoai lang luộc xong bóc bỏ vỏ, cặp với một con mắm sống (thường là cá trèn, cá linh, cá sặt,...), rắc chút dừa nạo (loại dừa rám đã cứng vỏ nhưng chưa khô) cùng một nhúm rau cải các thứ và lá cách là có ngay miếng ngon khai vị trong bữa nhậu.
Cây cách dễ trồng nên hầu như nó có mặt ở khắp vùng nông thôn và hiện nay thì nó được xem như thứ rau đặc sản của vùng đồng bằng. Người ta bẻ những nhánh non đem ra chợ bán, có khi giá tăng vọt lên 10.000 đến 15.000 đồng/kg, nhưng không phải lúc nào cũng có. Những gì thuộc về của hiếm thì tự nhiên trở thành đặc sản và người ta rất quí trọng, cho nên trong việc khai thác họ cũng rất cẩn thận chăm chút, bẻ cành không dám bẻ sâu sợ cây chết. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm miệt vườn, hái lá cách phải bẻ luôn nhánh, bẻ càng sâu bao nhiêu thì chúng nẩy chồi nhiều bấy nhiêu, do đó sẽ cho ra nhiều đọt non hơn.
Cây lá cách trong chậu |
Không có nhận xét nào: